Mở Quán Cafe Cần Giấy Phép Gì?
Mở quán cafe cần giấy phép gì
Mô hình kinh doanh quán cafe ngày càng phát triển, số lượng quán cafe tăng lên chóng mặt. Tuy nhiên, để quán cafe đi vào hoạt động đúng quy định thì bạn cần hoàn thành thủ tục pháp lý theo yêu cầu của nhà nước. Vậy mở quán cafe cần giấy phép gì?
Mở quán cafe cần giấy phép gì? Thủ tục ra sao? Đây quả thực là vấn đề rắc rối với người mới kinh doanh mô hình này. Vậy hôm nay chúng tôi sẽ không khiến bạn thất vọng đâu, cùng tìm câu trả lời mở quán cafe cần giấy phép gì theo những chia sẻ dưới đây:
Giấy phép đăng ký kinh doanh quán cafe
Mở quán cafe cần giấy phép gì? Nếu mô hình quán cafe của bạn nhỏ, theo hình thức cá thể thì có thể nhanh chóng liên hệ UBND quận/ huyện để được hướng dẫn cụ thể.
Tuy nhiên, nếu mô hình quán cafe doanh nghiệp thì phải liên hệ với Sở kế hoạch đầu tư tỉnh/thành phố để được tư vấn. Ngoài ra, để khâu đăng ký nhanh chóng hơn bạn có thể tham khảo một số thông tin sau:
1. Thành phần hồ sơ đăng ký kinh doanh quán cafe
Giấy đề nghị đăng ký kinh doanh quán cafe cần chuẩn bị đầy đủ và ghi theo mẫu được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu:
– Tên hộ kinh doanh/doanh nghiệp kinh doanh địa chỉ, địa điểm kinh doanh, số điện thoại
– Ngành, nghề kinh doanh
– Số vốn kinh doanh
– Số lao động sử dụng
– Họ tên, chữ ký, địa chỉ nơi cư trú, thông tin CMND, thẻ căn cước công dân, hộ chiếu còn hiệu lực của cá nhân kinh doanh hoặc đại diện cơ sở kinh doanh.
– Bản sao có công chứng CMND và các thành viên (nếu có) hoặc người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp kinh doanh. Bản sao hợp lệ biên bản họp nhóm cá nhân về việc thành lập hộ kinh doanh đối với trường hợp hộ kinh doanh do một nhóm cá nhân thành lập.
– Hợp đồng thuê địa điểm (nếu có)
Xem thêm: Mở Quán Cafe Cần Mua Những Gì?
2. Nơi nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh quán cafe
Sau khi hoàn thành hồ sơ đăng ký, bạn cần gửi hồ sơ tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ – thủ tục hành chính trong Ủy ban nhân dân quận/ huyện nơi mình dự tính kinh doanh. Khi tiếp nhận, hồ sơ sẽ được chuyển cho phòng Tài chính- kế hoạch để thẩm định hồ sơ.
3. Thời gian làm thủ tục đăng ký kinh doanh quán cafe
Thời gian xét duyệt chỉ trong 3 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ (không tính Thứ 7, Chủ Nhật, Lễ). Thông thường bạn sẽ được nhận giấy phép đăng ký kinh doanh khi đủ điều kiện:
– Ngành kinh doanh không thuộc ngành nghề cấm theo quy định pháp luật.
– Tên đăng ký phù hợp với quy định.
– Nộp đầy đủ lệ phí đăng ký.
Trường hợp nếu hồ sơ không hợp lệ, phía cơ quan sẽ thông báo rõ nội dung cần sửa đổi bằng văn bản cũng trong 3 ngày kể từ ngày nộp lại.
4. Lệ phí khi tiến hành đăng ký kinh doanh quán cafe
Hiện nay lệ phí cho đăng ký giấy phép kinh doanh quán cafe: nếu dạng hộ kinh doanh thì 100,000 đồng còn là DNTN thì 50,000 đồng nếu nộp trực tiếp và miễn phí nếu đăng ký trực tuyến. Tuy nhiên, có thể thay đổi nếu hồ sơ của bạn không hợp lệ và tiếp tục sửa đổi để xin được cấp lại.
Giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm
Tiếp tục trả lời cho câu mở quán cafe cần giấy phép gì? Chính là giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm bởi kinh doanh cafe thuộc lĩnh vực ăn uống nên việc kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm là yếu tố bắt buộc.
1. Thành phần hồ sơ giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm
Để xin được giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm bạn cần chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ sau đây:
– Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (theo Mẫu 1 Thông tư 26/2012/TT-BYT)
– Giấy xác nhận đủ sức khoẻ chủ cơ sở và của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm; phiếu báo kết quả cấy phân âm tính mầm bệnh gây bệnh đường ruột (tả, lỵ trực khuẩn và thương hàn) của người trực tiếp sản xuất thực phẩm đối với những vùng có dịch bệnh tiêu chảy đang lưu hành theo công bố của Bộ Y tế.
– Giấy khám sức khỏe và CMND cho những nhân sự đang làm việc tại quán cafe.
– Tờ khai “Đề nghị sát hạch kiến thức VSATTP” theo mẫu.
– Tên cá nhân/doanh nghiệp kinh doanh, địa chỉ, địa điểm kinh doanh, số điện thoại.
– Số giấy đăng ký kinh doanh hoặc CMND người đại diện.
– Danh sách cá nhân tham gia xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm.
– Giấy phép đăng ký kinh doanh có đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm (bản sao có chứng thực), bản công bố chất lượng thực phẩm, hóa đơn mua bán.
– Bản vẽ sơ đồ thiết kế mặt bằng cơ sở và mặt bằng xung quanh.
– Sơ đồ quy trình sản xuất thực phẩm hoặc quy trình bảo quản, phân phối sản phẩm.
– Bản thuyết minh trang thiết bị, cơ sở vật chất, dụng cụ của cơ sở.
– Giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm của chủ cơ sở và người tập huấn.
– Các nguyên vật liệu tại quán phải có đầy đủ hợp đồng cung cấp, hóa đơn bán hàng…
Ngoài ra các giấy tờ xin phép sẽ thay đổi tùy vào quy mô kinh doanh quán cafe có kết hợp với các ngành nghề khách không.
2. Nơi nộp hồ sơ giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm
Theo quy định sẽ nộp hồ sơ tại bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ tại Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm hoặc Cục an toàn vệ sinh thực phẩm. Thời gian làm việc theo giờ hành chính từ thứ 2 – thứ 6.
3. Thời gian làm thủ tục giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm
Thời gian làm việc trong vòng 5 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ. Cơ quan quan sẽ kiểm tra hồ sơ đã đầy đủ chưa và tiến hành tính lệ phí. Trường hợp hồ sơ đã đầy đủ sẽ được cấp giấy tiếp nhận hồ sơ. Nếu chưa sẽ được hướng dẫn bổ sung để hoàn thiện.
Sau 10 – 15 ngày tiếp theo, cơ quan sẽ trực tiếp cử người xuống địa điểm bạn đăng ký để kiểm tra cơ sở có đảm bảo các điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, kết quả sẽ được báo cáo và chuyển về cơ quan.
Nếu đạt yêu cầu chi cục ATVSTP sẽ cấp giấy chứng nhận cho bạn. Trường hợp không đạt thẩm định bạn sẽ có thời hạn thẩm định lại tối đa là 60 ngày, nếu kết quả tiếp tục không đạt sẽ bị thông báo bằng văn bản tới cơ quan quản lý địa phương để giám sát và yêu cầu đơn vị không được hoạt động cho đến khi được cấp Giấy chứng nhận.
4. Lệ phí xin giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm
Lệ phí của giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ có biểu mức thu phí như sau:
– Phí thẩm xét hồ sơ: 500.000đ/lần/cơ sở
– Lệ phí thẩm định: 1.000.000đ/lần thẩm định/cơ sở.
– Cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP lần đầu: 150.000 đồng/lần.
– Cấp lại (gia hạn): 150.000 đồng/lần.
– Cấp giấy chứng nhận tập huấn vệ sinh ATTP: 30.000đồng/chứng chỉ.
Các loại thuế cần nộp khi mở quán cafe
Ngoài việc tìm hiểu mở quán cafe cần giấy phép gì? bạn không thể bỏ qua các chi phí phải nộp trong quá trình kinh doanh quán cafe.
1. Thuế môn bài
Theo quy định mức lệ phí cho thuế môn bài được dựa vào thu nhập hằng năm và được tính theo 3 mức sau:
– Doanh thu trên 100 – 300 triệu/năm thì nộp thuế môn bài 300.000 đồng/năm
– Doanh thu từ 300 – 500 triệu/năm thì nộp thuế môn bài 500.000 đồng/năm
– Doanh thu từ 500 triệu/năm trở lên thì nộp thuế môn bài 1000.000 đồng/năm
2. Thuế giá trị gia tăng
Tiếp theo bạn cần phải đóng chính là thuế giá trị gia tăng, tỷ lệ thuế giá trị gia tăng cho kinh doanh cafe thuộc mặt hàng ăn uống là 2% doanh thu.
Số thuế GTGT phải nộp = doanh thu thuế GTGT x tỷ lệ thuế GTGT
3. Thuế thu nhập doanh nghiệp
Tương tự thuế GTGT, đối với mặt hàng kinh doanh cafe tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân là 1% và được tính phí phải nộp như sau:
Số thuế TNCN phải nộp = doanh thu thuế TNCN x tỷ lệ thuế TNCN
Tuy nhiên với quán cafe có mức doanh thu dưới 100 triệu/năm sẽ được miễn loại thuế này.
Bài viết trên dựa vào kinh nghiệm được nhiều người chia sẻ khi mở quán cafe cần giấy phép gì? Hy vọng bài viết sẽ giúp các bạn có thêm kiến thức về lĩnh vực kinh doanh quán cafe.
Chúc các bạn kinh doanh thành công!
Nguồn FnB Việt Nam
Nhận Xét